Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Nói phải, củ cải cũng nghe’

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo phải đặt mình vào vị trí của người dân để giải quyết vụ việc cho thấu tình đạt lý.

Chiều 7/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Hội nghị nhằm tổng kết tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ năm 2012 đến nay và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, lãnh đạo các bộ và các tỉnh, thành đã báo cáo làm rõ thêm, nhất là về các vụ việc phức tạp trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, rất cố gắng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tính đến 15/8, các cơ quan hành chính Nhà nước đã xem xét, giải quyết 522 vụ trong tổng số 528 vụ việc theo kế hoạch. Có 392 vụ đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, ban hành 209 thông báo chấm dứt khiếu nại.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc: 'Noi phai, cu cai cung nghe' hinh anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nêu rõ những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài. Trong số đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai thì khoảng 70% là khiếu nại hành chính về đất đai, trong đó 40% liên quan tới thu hồi đất, tái định cư.

Thủ tướng cho rằng cần nhận diện đây là mấu chốt để giải quyết và nhắc tới những vấn đề xảy ra ở một số nơi như giá đền bù chưa hợp lý, trình tự thu hồi đất không minh bạch, rõ ràng, bố trí nơi tái định cư điều kiện sinh hoạt khó khăn. Trong quy hoạch đô thị thì việc lấy ý kiến người dân, công khai quy hoạch còn hình thức, tình trạng quy hoạch treo khiến người dân không có đất sản xuất.

“Nhiều chủ tịch xã, huyện và cả tỉnh chưa bao giờ tiếp dân, như vậy có đúng quy định không, trong khi người dân tin tưởng mình như vậy? Nói phải, củ cải cũng nghe”, Thủ tướng nói.

Tiếp dân phải đón nhận cả tâm tư, nguyện vọng

Theo Thủ tướng, vẫn còn những trường hợp chưa thực sự quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người dân, giải quyết chậm, kéo dài, người dân phải chờ đợi lâu, thậm chí giải quyết sai sót, khiến người dân bức xúc và khiếu kiện vượt cấp.

“Chủ tịch huyện, xã, tỉnh phải biết trên địa bàn có bao nhiêu trường hợp bức xúc, để lâu quá thì họ khiếu kiện vượt cấp”, người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn.

Trong một số trường hợp, người đứng đầu địa phương, đơn vị còn chưa coi trọng đúng mức công tác tiếp công dân, chưa công khai lịch tiếp dân, ngại đối thoại với dân.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc: 'Noi phai, cu cai cung nghe' hinh anh 2
Đoàn cán bộ Thanh tra Chính phủ tham dự hội nghị. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, một số địa phương viện nhiều lý do khác nhau, như dựa vào việc hết thời hiệu để không xem xét giải quyết mặc dù công dân đã cung cấp thêm thông tin chứng minh rằng việc khiếu nại, tố cáo là có cơ sở.

“Lúc tôi còn làm Phó thủ tướng, khi giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng quốc lộ 1, tôi hỏi thì người dân nói họ ở đây 40 năm nhưng cán bộ đòi giấy tờ. Người ta ở đây 40 năm thì còn cần giấy tờ gì, phải quyết cho họ chứ”, Thủ tướng kể lại câu chuyện của mình và nhấn mạnh: “Nếu giải quyết có tình, có lý cho dân, không tham ô tham nhũng thì không ai kỷ luật các đồng chí”.

Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Cả hệ thống tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo phải đặt mình vào cương vị người dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết có lý, có tình, hướng dẫn người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, báo cáo đầy đủ với cấp trên.

“Cán bộ tiếp dân không phải là nơi chỉ tiếp nhận đơn, mà phải tiếp nhận cả những phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân”, Thủ tướng lưu ý.

CSGT bị thanh niên ném đá bể xương bánh chè

Trong lúc làm nhiệm vụ, một CSGT huyện Krông Pắk bị thanh niên ném đá dẫn đến bể xương bánh chè phải nhập viện cấp cứu.

Sáng 5/10, thông tin từ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Đắk Lắk, cho biết đơn vị đang điều trị cho một chiến sĩ CSGT bị bể xương bánh chè khi đang làm nhiệm vụ.

Chiến sĩ CSGT bị thương là thượng úy Nguyễn Trường Chinh, Đội CSGT thuộc Công an huyện Krông Pắk.

“Bệnh nhân nhập viện lúc 19h ngày 4/10 trong tình trạng chấn thương chân. Sau khi thăm khám bác sĩ xác định anh Chinh bị bể xương bánh chè nên tiến hành phẫu thuật. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định”, một bác sĩ thông tin.

Thượng úy Chinh cho biết khoảng 16h ngày 4/10, mình cùng thượng sĩ Trần Thái Hưng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường liên xã thuộc địa phận xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắk).

CSGT bi thanh nien nem da be xuong banh che hinh anh 1
Thượng úy Chinh nằm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: M. Q.

Khi thượng úy Chinh điều khiển xe môtô chở thượng sĩ Hưng đến khu vực cổng UBND xã Ea Kly (Krông Pắk) thì thấy một nhóm thanh niên khoảng 10 người đang ngồi bên trái đường.

Lúc này, một thanh niên ném viên gạch trúng vào chân thượng úy Chinh làm người và phương tiện ngã xuống đường. Sau khi xảy ra sự việc, Công an xã Ea Kly đã đưa thượng úy Chinh đi cấp cứu.

Trao đổi với phóng viên, thượng tá Ngô Văn Hiển, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk cho biết bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được nghi phạm ném đá khiến thượng úy Vinh bị thương.

“Sắp tới cơ quan cảnh sát điều tra sẽ mời nghi phạm này lên làm việc”, thượng tá Hiển nói.

7 quyền hạn của cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông

CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông sẽ được huy động hoặc trưng dụng phương tiện giao thông của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc huy động có thể là đề nghị hoặc yêu cầu.

Bộ Công an vừa chính thức công bố Dự thảo thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của CSGT.

Theo đó, Dự thảo thông tư quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự chỉ huy, điều khiển giao thông,… của CSGT. Nếu được thông qua, Dự thảo thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư số 28/2011/TT-BCA ngày 10/5/2011 của Bộ trưởng Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông của CSGT đường bộ.

Dự thảo quy định rõ về bảy quyền hạn của lực lượng CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông.

7 quyen han cua canh sat chi huy, dieu khien giao thong hinh anh 1
CSGT chỉ huy, điều khiển giao thông sẽ được trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin.

Cụ thể:

1. Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

2. Trong phạm vi, địa bàn được phân công hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện có hành vi vi phạm để kiểm tra, kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát nếu người đó có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;

3.Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

4.Trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn bỏ chạy, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy… thì thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.

Việc trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật Công an nhân dân, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản quy định;

5. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông;

6. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

7. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Tử hình người phụ nữ chủ mưu vận chuyển 4,1 kg ma túy

Chi lĩnh án tử hình vì đã cùng một người đàn ông đứng ra thuê Lý sang Ấn Độ vận chuyển 4,1 kg ma túy qua đường hàng không với giá 10 triệu đồng.

Ngày 6/10, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tăng án từ chung thân lên tử hình với Trần Thị Kim Chi (48 tuổi, ngụ Hải Dương) về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tu hinh nguoi phu nu chu muu van chuyen 4,1 kg ma tuy hinh anh 1
Chi trước vành móng ngựa. Ảnh: T.Thanh.

Theo nội dung vụ án, chiều 20/7/2012, lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra hành lý của Nguyễn Thị Lý (44 tuổi, ngụ quận Bình Tân), phát hiện nhiều gói tinh thể màu trắng giấu trong 10 cuộn chỉ. Qua giám định, số hàng này được xác định là Methamphetamine, nặng hơn 4,1 kg.

Theo lời khai của Lý, cô ta chỉ vận chuyển thuê cho Chi. Lúc lực lượng chức năng bắt giữ Lý thì Chi gọi điện cho người này để nhận hàng. Chi bảo Lý mang hàng đến Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) sẽ có người nhận.

Đồng bọn của Chi là Nguyễn Thị Hoàng Lan đến điểm hẹn nhận hàng liền bị công an phục kích bắt giữ. Sau đó, Lan bị kết án tử hình, Lý bị phạt tù chung thân cùng về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Còn Kim Chi biết sự việc bại lộ đã bỏ trốn. Ngày 12/8/2014, cô ta bị bắt theo lệnh truy nã.

Kết quả điều tra xác định, khoảng tháng 7/2012, biết Trần Thị Kim Chi tìm người ra nước ngoài vận chuyển hàng nên Lý xin vào làm. Ngày 9/7/2012, Lý gặp Chi cùng một người đàn ông da đen tên Simon (không rõ lai lịch) và được yêu cầu vận chuyển linh kiện điện thoại từ nước khác, tiền công 10 triệu đồng. Vé máy bay và chi phí sinh hoạt ở nước ngoài đều do Chi trả.

Ngày 15/7/2012, Lý xuất cảnh sang Ấn Độ. Ba ngày sau, một số người lạ mặt xuất hiện đưa cho Lý túi du lịch đã xếp sẵn hàng cùng hành lý và vé máy bay đi Singapore.

Ngày 19/7/2012, Lý đến Singapore nhưng bị từ chối nhập cảnh nên bay về Việt Nam. Simon và Chi nói sẽ cho người đón để nhận hàng. Tuy nhiên, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, Lý bị bắt giữ.

Dùng thiếu niên 14 tuổi đi giao ma túy

Trong quá trình buôn bán ma túy, Thường đã nhiều lần đưa heroin cho thiếu niên 14 tuổi đi giao hàng cho khách.

Công an quận 5 (TP.HCM) vừa tạm giữ Nguyễn Kim Thành (35 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè), Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi, không có nơi ở nhất định) cùng Phạm Văn Thường (39 tuổi, ngụ quận 5) để điều tra làm rõ về hành vi Tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.

Trước đó, ngày 4/10, trinh sát Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận 5 phát hiện Thành tại ngã ba Hải Thượng Lãn Ông – Lương Nhữ Học (quận 5). Qua kiểm tra, công an phát hiện trong người Thành có hơn 0,7 gam heroin.

Dung thieu nien 14 tuoi di giao ma tuy hinh anh 1
Thường bị công an bắt giữ. 

Chiều cùng ngày, công an tiếp tục bắt giữ Nguyễn Thị Cúc. Kiểm tra người này, lực lượng chức năng phát hiện một bịch nylon chứa bột trắng chứa hơn 0,15 gam heroin.

Qua điều tra truy xét nhanh, trinh sát ập đến bắt giữ Phạm Văn Thường tại Công viên Thăng Long (phường 13, quận 5) thu giữ một bịch nilon chứa hơn 0,82 gam ma túy.

Sau khi khám xét nơi ở của Thường tại đường Nguyễn Trãi (quận 5), công an cũng thu giữ 27 bịch nylon chứa hơn 41 gam heroin, 7 gói nylon chứa hơn 70 gam ma túy đá cùng 88 viên nén (hiện đang được giám định).

Theo thông tin ban đầu, Thường bán ma túy vào khoảng đầu tháng 8/2016. Ngoài trực tiếp đi bán ma túy cho các con nghiện, người này còn dùng một bé trai khoảng 14 tuổi để đi giao hàng.

DN phải đóng cửa, phá sản vì vi phạm tiêu chuẩn môi trường

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới phải đóng cửa vì không đủ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn trong khi một số khác cố tình gian lận và đứng trước nguy cơ phá sản.

Từ lâu, câu chuyện về xả thải là một bài toán khó giải với các nhà sản xuất công nghiệp. Vì lợi nhuận, nhiều công ty sẵn sàng “lờ” các quy định và tiêu chuẩn, những điều giúp bảo phần nào vệ môi trường khỏi các hoạt động của con người.

Đóng cửa vì vi phạm

Hồi tháng 1, cơ quan giám sát Tòa án Xanh Quốc gia Ấn Độ (NGT) đã chỉ đạo đóng cửa 313 cơ sở vì vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường (EPA) trong suốt 2 thập kỷ qua. Phán quyết của NGT là kết quả của một cuộc chiến suốt 13 năm được dẫn dắt bởi các nhà môi trường học ở bang Gujarat.

NGT yêu cầu mỗi cơ sở phải nộp tiền phạt vì đã thực hiện hành động hủy hoại môi trường và nêu rõ việc họ nên tập trung khắc phục hậu quả. Trong trường hợp không nộp tiền phạt trước thời hạn, chính quyền sẽ thực hiện các bước tịch thu hàng hóa, chứng khoán và bán để thu hồi số tiền quy định.

DN phai dong cua, pha san vi vi pham tieu chuan moi truong hinh anh 1
Mỹ kiện VW vì trò gian lận trong các cuộc kiểm tra về tiêu chuẩn khí thải. Ảnh: Reuters

Trước đó, tháng 3/2015, một số nhà máy tại Lâm Nghi, một thành phố công nghiệp ở miền đông Trung Quốc, cũng chung số phận. Đây là dấu hiệu của việc chính phủ nước này đẩy mạnh thực thi luật môi trường sau khi nhận chỉ trích ngày càng nhiều từ phía người dân về tình trạng ô nhiễm. Theo Reuters, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố, Bắc Kinh sẽ làm mọi cách để chống ô nhiễm.

Lĩnh vực thép và năng lượng là trung tâm của cuộc chiến này. Bắc Kinh phải đối mặt với những thách thức của việc kiểm soát khí thải mà không ảnh hưởng tới nền kinh tế. Tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ tác động đến toàn ngành công nghiệp và tăng chi phí cho các doanh nghiệp.

Hầu hết các đơn vị phải tạm ngừng sản xuất là các nhà máy thép. Hầu như tất cả các công ty sản xuất thép tại thành phố Lâm Nghi buộc phải đóng cửa và chưa xác định ngày tái hoạt động.

“Trận chiến chống ô nhiễm của Bắc Kinh sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các nhà máy và đẩy những đơn vị yếu kém đến bước đường cùng”, Cheng Xu Bao, một nhà phân tích công nghiệp tại Custeel, nói.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng thúc giục chính quyền tại các thành phố khác xử lý mạnh tay những doanh nghiệp vi phạm. Một số nhà máy phải đối mặt với việc đóng cửa vĩnh viễn nếu không thể nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng tiêu chuẩn cứng rắn hơn sau khi chính quyền địa phương yêu cầu họ ngừng sản xuất.

Vướng vòng lao lý, bồi thường tỷ đô

David Uhlmann, giáo sư luật của trường Đại học Michigan, cho biết, trong các quốc gia trên thế giới, Mỹ thường xử lý mạnh tay về vấn đề vi phạm môi trường hơn so với các nước khác.

Điển hình như năm 2014, Anadarko Petroleum Corp thua trong vụ kiện pháp lý cáo buộc hoạt động của công ty này gây ô nhiễm môi trường, là nguồn gốc của căn bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.

Sau hàng năm trời kiện tụng, ngày 3/4 năm đó, gã khổng lồ ngành năng lượng tuyên bố trả 5,15 tỷ USD để giải quyết vụ việc, Reuters đưa tin.

Sau đó 2 năm, Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện một trong những nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới Volkswagen (VW) với cáo buộc vi phạm EPA bằng cách lắp những thiết bị không đủ tiêu chuẩn cho 600.000 ô tô bán vào thị trường Mỹ. Vụ kiện có thể khiến gã khổng lồ này phá sản. Một số người khẳng định, bất cứ doanh nghiệp nào ngang nhiên lừa dối khách hàng nên bị tước giấy phép hoạt động.

Theo hồ sơ, VW đã giở trò gian dối trong các cuộc kiểm tra về tiêu chuẩn khí thải, mở ra một cuộc chiến pháp lý có thể tốn kém hơn những gì mà nhà sản xuất ô tô của Đức dự đoán. Số tiền phạt có thể lên tới 80 tỷ USD – gấp 4 lần so với mức tối đa mà một số chuyên gia pháp lý ước tính.

VW phải đối mặt với hàng trăm vụ kiện riêng ở Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, họ sẽ xử lý trường hợp này giống trường hợp chống lại BP Plc trong vụ kiện tràn dầu tại vùng Vịnh.

Tương tự tại châu Âu, trò gian dối với 800.000 chiếc xe có cũng gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nhân viên của VW chưa đến 600.000 người trên toàn thế giới. Một phần trong số họ có thể nhận thức những sai phạm. Vì vậy, họ cũng có thể phải gánh vài tội danh. Các nhà quản lý tại ít nhất 7 quốc gia, bao gồm Đức, bị điều tra. Mỹ cũng có thể dùng cáo buộc hình sự để chống lại công ty này vì dùng các thiết bị gian lận để qua mặt Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

“VW cần phải sửa chữa các vấn đề mà họ đã tạo ra và hợp tác trong cuộc điều tra của chính phủ cũng như chú ý đến các nạn nhân của họ”, Uhlmann, khuyên.

Kể từ khi giới chức cho biết VW gian lận trong các bài kiểm tra khí thải, cổ phiếu của công ty này giảm mạnh. Ngoài Volkswagen, vụ kiện cũng nêu tên các công ty con như Audi AG, Porsche AG và Porsche Cars North America. Các vi phạm liên quan tới những mẫu xe từ năm 2009 đến 2016 bao gồm Volkswagen Jettas, Golfs and Passats cũng như Audi A6 và A7 Quattro.

DN phai dong cua, pha san vi vi pham tieu chuan moi truong hinh anh 2
Quy trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn của các nhà máy thép tương đối tốn kém “khiến” nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại Ấn Độ vào tháng 7/2012, Bhusan Steel Limited (BSL) gặp khó khăn sau khi bị phát hiện đã vi phạm EPA. Họ đặt mục tiêu tăng công suất từ 3,1 triệu tấn thép lên 5,6 triệu tấn và bắt đầu thực hiện mà không áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường.

Theo công tố viên AK Agarwalla, vụ kiện chống lại giám đốc điều hành của công ty, ông A. Berma, do vi phạm điều 15 và 16 của luật bảo vệ môi trường năm 1986. Theo quy định, hình phạt tối đa có thể là 5 năm tù, phạt tiền hoặc cả hai hình phạt nếu bị tòa kết tội.

Trước đó, Ban Kiểm soát Môi trường của bang Odisha từng ra thông báo đóng cửa nhà máy vào cuối năm 2011 sau khi phát hiện những lỗ hổng trong các biện pháp bảo vệ môi trường của BSL.

“Chúng tôi đã yêu cầu họ dừng hành động xây dựng trái phép nhưng họ vẫn cố tình vi phạm khiến Công đoàn Bộ Lâm nghiệp và Môi trường phải vào cuộc”, một quan chức chia sẻ.

Thỏa thuận khí hậu tại COP 21 khiến tình hình thêm khó khăn

Ngày 12/12 năm ngoái, đại diện của 195 quốc gia tại COP21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, khống chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C. Theo đó, các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường cũng tăng lên.

Theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Grantham, nhiều công ty phải đối mặt với nguy cơ phá sản tăng cao nếu “lờ đi” thỏa thuận của COP21.

“Các rủi ro và chính sách khí hậu có thể tác động mạnh đến các doanh nghiệp trên toàn cầu trong những năm tới”, các nhà kinh tế viết trong bản báo cáo.

Tài liệu của Viện Nghiên cứu Grantham cũng đưa ra một số kiến nghị và cung cấp các định nghĩa rõ ràng hơn về những thuật ngữ như “các rủi ro liên quan đến khí hậu” và “các tác động khí hậu” nhằm giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn những nguy cơ mà họ phải đối mặt.

Điều này phụ thuộc vào chiến lược hơn là hiệu suất của họ. Trong những hoàn cảnh như vậy, tất cả các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc xây dựng khả năng phục hồi và lập kế hoạch với mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon, thông qua tiếp cận thị trường và công nghệ mới phù hợp với các chính sách mới.

Tuy nhiên, mức độ mà họ mong đợi để hưởng lợi sẽ phụ thuộc vào chi phí của hành động và phân phối các rủi ro.

Ngoài ra, báo cáo cho biết, các công ty cũng nên chú tâm vào những rủi ro như các luật và chính sách mới, tiến bộ công nghệ, thay đổi sở thích của người tiêu dùng và các rủi ro với danh tiếng của một công ty.

“Chúng có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của thị trường tài chính và dẫn đến những thay đổi nhanh chóng hơn trong việc định giá”, bản báo cáo nói.

Bên cạnh đó, tài liệu cũng đề cập tới việc song song với thách thức là cơ hội. Ví dụ, nỗ lực chính sách tập trung có thể dẫn đến việc triển khai nhiều công nghệ mới, khiến giá thành công nghệ giảm.

Công nghiệp thép và cái giá đắt về môi trường, xã hội

Theo các chuyên gia, sản xuất một tấn thép sẽ thải ra khoảng 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi và 80 m3 nước thải. Không được xử lý đúng cách, cái giá cho tăng trưởng sẽ là quá lớn.

Ngành sản xuất thép từng nhiều lần đóng vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế các quốc gia. Hiện tại, hoạt động này có xu hướng chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, vốn được gọi là quá trình xuất khẩu ô nhiễm.

Mang lại tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia, nhưng cái giá phải trả cho ngành công nghiệp này lại quá lớn. Ngành công nghiệp thép làm gia tăng áp lực về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, từ ô nhiễm tiếng ồn, đất, nước và không khí.

Những làng ung thư

Cong nghiep thep va cai gia dat ve moi truong, xa hoi hinh anh 1
Khí thải bốc lên nghi ngút từ hàng chục ống khỏi của nhà máy luyện thép ở thành phố Đường Sơn, Trung Quốc. Ảnh: Getty 

Sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển công nghiệp và kinh tế để vượt Nhật Bản, vấn đề tim, phổi và ung thư tại Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến. Ô nhiễm kim loại gây ra thể chất bất thường. Trẻ em sinh ra với các dị tật bẩm sinh. Tất cả xảy ra dưới bầu trời xám xịt gần như vĩnh cửu.

Chai Jing, một nhà báo, cho biết, Trung Quốc đốt 3,6 tỷ tấn than trong năm 2013, nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới.

“Than mang lại sự ấm áp và năng lượng. Sau năm 1980, Bắc Kinh có hơn 3.000 nhà máy. Đối với một quốc gia nông nghiệp muốn phát triển, ống khói là biểu hiện của sự tiến bộ. Thế nhưng, sự bùng nổ kinh tế khiến bộ mặt quốc gia thay đổi. Mọi thành phố đều giống nhau, chìm trong ô nhiễm không khí, đất và nước. Nhu cầu về thép nói riêng và kim loại màu nói chung khiến Trung Quốc đốt nhiều than hơn bao giờ hết”, bà nói.

Năm 2013, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc công bố danh sách 247 “làng ung thư” ở 27 tỉnh, khu vực khắp cả nước và thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang xảy ra.

Vành đai ô nhiễm và các làng ung thư từ khu vực ven biển lấn sâu vào nội địa khiến số người chết vì ung thư vượt quá 1,4 triệu và tỷ lệ sông ngòi bị ô nhiễm lên tới hơn 40%, Tân Hoa Xã đưa tin. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, số làng ung thư vượt quá 400.

Nguồn nước bị nhiễm độc nặng do hóa chất xả ra ngoài. Theo Greenpeace East Asia, 320  triệu người không có điều kiện tiếp cận nước sạch tại Trung Quốc và 190 triệu người đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm nặng với các hóa chất độc hại.

Tại một số địa phương, đất đai bỏ hoang do không thể trồng trọt. Khi những nhà máy đầu tiên chuyển đến, côn trùng biến mất khỏi vùng đất phì nhiêu và sau đó đến những loài chim trên trời. Cây cối khô héo và chết khi các nhà máy đến nhiều hơn. Củ cải trồng trong khu vườn cũng chuyển sang màu đen. Peng Zhen Kun 62 tuổi, nhớ lại.

“Đến con người cũng không thể chịu nổi sự ô nhiễm, côn trùng và những loài vật nhỏ liệu có cơ hội sống?”, ông nói.

Thành phố chết với màu đen, đỏ

Cong nghiep thep va cai gia dat ve moi truong, xa hoi hinh anh 2
Ilva tại thành phố Taranto, Italy là nhà máy thép lớn nhất của châu Âu. Ảnh: Reuters

Các đó hàng nghìn km, ở phía trời Âu, bên ngoài hàng rào bao quanh Ilva, nhà máy thép lớn nhất châu Âu tọa lạc tại thành phố Taranto (Italy), Francesco Mastrocinque chọc ngón chân của anh vào lớp bột màu đen đỏ, thứ phủ kín trên mọi vỉa hè và kể về những người bạn qua đời vì căn bệnh ung thư và bệnh về đường hô hấp.

“Đã khoảng một tháng trôi qua nhưng mọi người quanh đây cố gắng không nghĩ về nó”, Mastrocinque nói khi nhìn lên ống khói cao chót vót của nhà máy – một góc tối tăm và bụi bặm của khu vực Puglia, nơi mà các cư dân đến gần.

Ilva, thuộc sở hữu của gia đình Riva tại Italy, sử dụng 12.000 nhân công và góp phần phát triển kinh tế địa phương vốn ảm đạm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nó đang hủy hoại người dân nơi đây vì khối lượng chất thải của nhà máy.

Theo một nghiên cứu năm 2005, tỷ lệ khí thải của cơ sở chiếm 8,8% khối lượng dioxin thải ra của châu Âu. Nhiều số liệu vào năm 2012 cho thấy số người chết vì ung thư ở khu vực chiếm 15% tỷ lệ tử vong trung bình toàn quốc. Các công tố viên cho hay, từ năm 2009 đến 2012, lượng khí thải đã giết chết hơn 400 người.

“Nồng độ dioxin trong sữa của các bà mẹ ở thành phố Taranto cao gấp 3 lần mức cho phép”, Angelo Bonelli nói với The Guardian.

Nông dân chịu thiệt hại lớn khi bị cấm chăn thả gia súc trong phạm vi 20 km xung quanh nhà máy. Gần 30.000 con gia súc bị tiêu hủy do nhiễm dioxin vượt mức cho phép. Ngành nuôi trồng trai nổi tiếng ở Taranto liêu xiêu sau khi phải chuyển khỏi khu vực quanh nhà máy.

“Không gia đình nào không có người bị bệnh hoặc chết mà nguyên nhân đến từ nhà máy thép Ilva. Mọi người đã ‘lờ’ tình trạng này suốt một thời gian dài. Giờ đây, mỗi lần nhắc đến, nước mắt lại rơi”, Rosella Balestra, một nhà hoạt động địa phương, chia sẻ.

Ô nhiễm trở thành một phần trong đời sống của người địa phương. Hàng ngày, họ vẫn phải quét những đám bụi khoáng màu đỏ và bồ hóng màu đen thoát ra từ nhà máy – thứ thường xuyên làm tắc cống thoát nước.

“Lần đầu tiên nhận ra vấn đề là cách đây 5 năm, khi tôi chữa trị cho một cậu bé 10 tuổi mắc bệnh ung thư cuống họng”, Patrizo Mazza, một bác sĩ, nói. Theo Mazza, không biện pháp nào thực sự hiệu quả trừ khi nhà máy luyện thép đóng cửa.

Tỷ lệ công nhân của nhà máy mắc u cao gấp 10 lần so với mức trung bình của quốc gia. “Những công nhân ở đây chỉ muốn nghĩ về công việc, không phải bệnh tật”, Vincenzo Pignatelli, 60 tuổi, nói. Ông đã làm việc trong các lò nung suốt 29 năm và bị ung thư máu sau khi nghỉ hưu vào năm 2002.

“4 đồng nghiệp trong nhóm của tôi đã chết vì ung thư. Tôi có thể gặp nhiều đồng nghiệp khác khi đến bệnh viện. Chuyện này giống như một cuộc hội ngộ công việc”, ông chia sẻ.

Tại khu vực Tamburi, Mastrocinque nhìn lũ trẻ đá bóng xung quanh khu đất dày đặc bụi độc hại, bất chấp lệnh cấm.

“Bột khoáng màu đỏ lấp lánh trong các máng nước nhưng muội đen như cát mịn khi lọt vào miệng. Ilava “an ủi” người dân khi đặt đài phun nước trong nghĩa trang nhưng họ không quét sạch những nấm mộ đang dần chuyển sang màu đen đỏ”, anh nói.

Nguy cơ gây ô nhiễm ở mọi quy trình

Cong nghiep thep va cai gia dat ve moi truong, xa hoi hinh anh 3
Khói bốc lên từ một nhà máy của Formosa, một trong 10 doanh nghiệp ô nhiễm nhất trên đảo Đài Loan. Ảnh: Getty

Tùy thuộc vào nguyên liệu ban đầu, quặng sắt hoặc nguyên liệu tái chế, quá trình luyện kim trải qua nhiều bước khác nhau. Mỗi bước đều phát sinh ra lượng lớn chất thải với 3 dạng: rắn, lỏng, khí và bụi với mức độ ô nhiễm khác nhau.

Theo một số chuyên gia, sản xuất một tấn thép sẽ thải ra khoảng 0,5 đến 1 tấn xỉ, 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi và 80 m3 nước thải. Tại các vùng luyện kim, tỷ lệ không khí bị nhiễm bẩn là gần 60%.

Trong các nhà máy luyện thép bằng phương pháp truyền thống, nước làm mát thường bị nhiễm kim loại nặng và các chất phụ gia nên không được tái sử dụng và thường được xả ra bên ngoài cùng nguồn nước thải khác. Thành phần của nước thải này rất khó xử lý và chứa nhiều hóa chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, kim loại nặng và một số chất hữu cơ khác.

Không được xử lý đúng cách, những loại chất thải này có thể gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Năm 2010, tập đoàn luyện thép AK xếp hạng 1 trong danh sách các công ty gây ô nhiễm ở Mỹ sau khi thải khoảng 13.517 tấn hóa chất xuống sông, 11.022 tấn xuống sông Ohio và 2.495 tấn xuống sông Muskingum, theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Môi trường Mỹ. Trong nhiều năm liên tiếp, Ohio trở thành con sông ô nhiễm nhất của quốc gia này

Bảng đen ‘thành tích’ phá môi trường của Formosa

Do những thành tích phá hủy môi trường tai tiếng trên thế giới, Tập đoàn Formosa Plastics (tập đoàn mẹ của Formosa Việt Nam) từng bị trao giải “hành tinh đen” năm 2009 – giải thưởng dành cho những tổ chức/cá nhân vì phá hủy môi trường thế giới. Doanh nghiệp (DN) này cũng từng chịu phạt nhiều lần tại các nước mà họ đầu tư.

Tại Đài Loan

Trên chính quê hương Đài Loan, tập đoàn Formosa đã gây ra nhiều vi phạm về môi trường khiến cho người dân bức xúc và phản đối việc xả nước gây ô nhiễm. Formosa cũng đã phải chi ra nhiều triệu USD để xử lý các sự cố về môi trường mà tập đoàn này gây ra.

Bang den 'thanh tich' pha moi truong cua Formosa hinh anh 1
Đoàn công tác Campuchia kiểm tra tình hình khu vực Formosa bỏ chất thải ở Sihanoukville. Ảnh tư liệu: BAN

Năm 2010, Cơ quan bảo vệ môi trường đã phạt nhà máy hóa dầu Formosa Plastics tại Nhân Vũ, thành phố Cao Hùng, với số tiền là 150 triệu đài tệ (4,7 triệu USD) do hành vi gây ô nhiễm đất và môi trường.

Theo EPA, số tiền phạt được xem xét dựa trên một số yếu tố, bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mà lẽ ra Formosa đã phải làm, để hạn chế các chất gây ô nhiễm và lãi suất thu được, bằng cách tiết kiệm khoản tiền mà đáng ra nhà máy này đã phải đầu tư trong tài khoản ngân sách. Số tiền này cũng sẽ được dùng để xây dựng các giếng lưu thông nước ngầm mới.

Năm 2011, Formosa Plastics Corp cũng đã bị phạt 1 triệu đài tệ (34.662 USD) do ô nhiễm vượt mức cho phép tại nhà máy sản xuất VCM ở Mạch Liêu. Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa nhà máy sản xuất VCM sản lượng 800.000 tấn/năm, nhưng nhà máy này đã bị phá hủy vào ngày 12/5, do đám cháy phát ra từ một đường ống trong tổ hợp hóa dầu của tập đoàn tại Mạch Liêu.

Cũng năm 2011, EPA đã phạt tập đoàn Formosa Plastics 2,8 triệu USD, do đã không kiểm soát ô nhiễm nước ngầm. EPA cho biết, mức phạt này cũng phù hợp với kết luận mà một ban gồm các nhà chuyên môn đã đưa ra trước đó, khi thảo luận về tình trạng ô nhiễm đất và nước ngầm tại nhà máy ở Nhân Vũ.

EPA cho biết, theo dữ liệu thu thập được từ nhà máy, một khảo sát về ô nhiễm đất và nước ngầm đã được tiến hành từ năm 2003, và công ty đã biết về tình trạng ô nhiễm nước. Tuy nhiên, công ty không báo cáo vấn đề này với chính quyền.

Sau khi tiến hành điều tra về ô nhiễm dung môi được khử bằng Clo vào năm 2009, EPA đã kết luận rằng đất và nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. EPA cho rằng, Formosa Plastics đã vi phạm Luật Kiểm soát Ô nhiễm Nước. Mức phạt được tăng lên là do công ty đã biết về tình trạng ô nhiễm nhưng đã không có hành động để giải quyết vấn đề.

Năm 2015, người dân ở xã Đài Tây, huyện Vân Lâm (phía tây Đài Loan) đã đâm đơn kiện Formosa, yêu cầu đền bù 70 triệu tân đài tệ (khoảng 2,16 triệu USD), với cáo buộc khu phức hợp sản xuất hóa dầu của tập đoàn này tại xã Mạch Liêu gây ra các mối đe dọa đối với sức khỏe. 74 người dân bị ung thư đã tìm tới một nhóm chuyên gia pháp lý, dẫn đầu là luật sư Thomas Chan đại diện cho họ đi đòi công lý.

Trong khi đó, Liên minh bảo vệ môi trường huyện Chương Hóa cho biết, mối đe dọa sức khỏe do nhà máy hóa dầu của Formosa không chỉ giới hạn ở Vân Lâm.

Người dân tại xã Đại Thành thuộc huyện này cũng đang có hàm lượng kim loại nặng cao có thể dẫn tới ung thư trong nước tiểu.

Thư ký của Liên minh Bảo vệ môi trường huyện Chương Hóa đã đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền huyện Vân Lâm và Chương Hóa có chính sách di dời dân đang ở gần nhà máy của Formosa hay không. Luật sư Thomas Chan đã kêu gọi chính quyền Đài Loan thiết lập một chương trình kiểm soát ô nhiễm chéo tại các vùng miền ở hòn đảo này.

Tại Campuchia

Vào cuối tháng 11/1998, Formosa đã sử dụng hơn 140 container chứa khoảng 5.000 tấn chất thải, trong đó có thủy ngân, đưa tới thị trấn ven biển Sihanoukville, Campuchia. Sau đó, những container độc hại trên bị bỏ lại tại một khu vực không có rào chắn và biển khuyến cáo.

Do những container nguy hiểm trên không có biển cảnh báo nên một số người dân đã tiếp xúc, thậm chí mang bao tải đựng chất thải của Formosa về sử dụng. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, những người dân có những triệu chứng bất thường như bị sốt, tiêu chảy… Đỉnh điểm là một nhân viên tại cảng Sihanoukville làm công việc dọn dẹp các tàu chở chất thải của Formosa từ Đài Loan đến Campuchia chết, khiến vụ việc trở nên ầm ĩ.

Trước những cuộc biểu tình của người dân, Formosa khẳng định họ có giấy phép và được xác nhận chất thải an toàn để chôn dưới đất. Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra, nồng độ thủy ngân của khối chất thải vượt quá 20.000 lần giới hạn an toàn cho phép. Các chỉ số dioxin và PCB đều ở mức nguy hiểm.

Cuối cùng, Formosa phải thu hồi khoảng 3.000 tấn chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ và xin lỗi người dân Campuchia.

Cũng trong vụ việc này, hơn 100 quan chức Campuchia bị đình chỉ chức vụ, do bị cáo buộc nhận hối lộ để cho Formosa đưa khối chất độc nguy hiểm trên vào Campuchia. Trước thông tin này, Formosa đã phủ nhận lời cáo buộc.

Bang den 'thanh tich' pha moi truong cua Formosa hinh anh 2
Một bé trai chơi gần nơi đặt các thùng container chứa chất thải của Formosa tại Sihanoukville. Ảnh tư liệu: BA

Tại Mỹ

Có mặt ở Mỹ từ năm 1978 tại các bang Delaware, Illinois, Baton Rouge, Louisiana và Texas, Tập đoàn Formosa đã để lại nhiều tai tiếng về việc gây ô nhiễm môi trường, và cũng đã có nhiều vụ vi phạm các quy định về môi trường của nước này dẫn đến việc phải nộp phạt hàng chục triệu USD.

Tại Point Comfort, Texas, Formosa đã bị phạt hai lần với số tiền phạt về môi trường lớn nhất trong lịch sử bang vào năm 1990. Ủy ban về Nước của Texas đã phạt Formosa 247.000 USD cho 17 hành vi vi phạm trong thời gian 3 năm, bao gồm lưu trữ dầu và các chất thải khác không đúng cách, nứt ao giữ nước thải và xả nước thải với nồng độ axit cực kỳ cao vào mặt nước.

Hai nhà máy của Formosa ở bang Louisiana bên cạnh cũng đã từng bị phạt nhiều lần kể từ năm 1987 do vượt quá giới hạn xả chất thải vinyl clorua.

Năm 1986, một thẩm phán của Delaware đã ra lệnh đóng cửa một nhà máy của Formosa trong vòng 6 tuần, do nhà máy này đã xả thất thải monomer vinyl chloride với mức độ nghiêm trọng, đến nỗi hệ thống phun nước của nhà máy đã bị ngừng hoạt động và các nhân viên bị buộc phải mang thiết bị hỗ trợ thở.

Vinyl clorua có liên quan đến gan, dạ dày và ung thư não, sẩy thai và dị tật bẩm sinh; nó là một trong bảy hóa chất mà EPA phải đưa ra quy định cụ thể về việc xả thải.

Năm 1991, Formosa đã bị EPA phạt mức 3,7 triệu USD, do vi phạm về chất thải nguy hại khi nguồn nước ngầm bên dưới nhà máy của họ bị phát hiện ô nhiễm nghiêm trọng. Vi phạm bao gồm việc không tuân thủ các quy định cơ bản nhất về chất thải nguy hại – lưu trữ chất thải trong các thùng chứa bị rò rỉ, không đào tạo nhân viên đầy đủ, và xả thải bất hợp pháp.

Vào năm 2009, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã phạt Formosa Plastics 13 triệu USD đối với nhiều vi phạm của họ tại các nhà máy ở Louisiana và Texas. Trong số 13 triệu USD tiền phạt, hơn 10 triệu USD sẽ được dùng để chi cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, nhằm khắc phục các vi phạm về nước, không khí và chất thải độc hại.

Còn lại số tiền 2,8 triệu USD được sử dụng để giải quyết các vi phạm về Đạo luật Không khí sạch, Đạo luật Nước sạch, Đạo luật về Bảo tồn và Khôi phục Tài nguyên và Đạo luật về Quy hoạch khẩn cấp và Quyền-được-biết của cộng đồng.

Formosa với 15 năm đầu tư tại Việt Nam

Trước khi Formosa Hà Tĩnh hoạt động, tập đoàn đến từ Đài Loan này đã có rất nhiều công ty lớn ăn nên làm ra tại Việt Nam, đáng kể nhất là hệ thống nhà máy dệt nhuộm tại Nhơn Trạch.

Năm 2013, Formosa Plastics cũng đã bị EPA phạt số tiền gần 1,5 triệu USD, do đã không lắp đạt hơn 8.000 thiết bị phát hiện và sửa chữa rò rỉ tại nhà máy nhựa và hóa chất ở Point Comfort. Đồng thời, Formosa duy trì một cố vấn để đánh giá hệ thông đường ống và máy móc đo kiểm.

Tháng 4/2014, theo nhật báo Victoria Advocate của Texas, Formosa đã bị Ủy ban Chất lượng Môi trường Texas phạt 615.000 USD cho 14 vi phạm trong suốt 15 năm qua.

Năm 2014, Formosa Plastics Corp tại Point Comfort đã bị Ủy ban Chất lượng Môi trường của Texas phạt 15.775 USD về việc xả độc tố vào không khí trong năm 2011. Trong tổng số 15.775 USD tiền phạt trên, 6,310 USD được dùng để thay thế các xe buýt sử dụng dầu diesel cũ trong khu vực với các xe buýt mới sử dụng nhiên liệu thay thế sạch hơn.

Với những thành tích trên, Hồ sơ môi trường của Formosa vô tình trở thành ví dụ minh họa trong bộ sách giáo khoa Luật Môi trường của Barry Hill tại Mỹ (Environmental Justice, Legal Theory and Practice, Barry Hill, 3rd Edition, 2014).

Tuy nhiên, việc chi trả hàng chục triệu đôla để khôi phục môi trường trên thế giới không có nghĩa là Formosa sẽ ngừng gây ô nhiễm môi trường. Một bài viết đăng trên trên nhật báo Victoria Advocate của bang Texas năm 2008, với tựa đề Phạt Formosa một khoản tiền nhỏ đồng nghĩa với việc có thêm ô nhiễm. Bài báo có đoạn viết rằng: “Phạt Formosa 121.443 USD không là gì so với ngân sách của họ. Họ sẽ phải trả tiền phạt này và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, cũng như gây tổn hại sức khỏe của chúng tôi và thế hệ tiếp theo”.

Tòa án trả đơn của người dân kiện Formosa Hà Tĩnh

Bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, 506 ngư dân đã kiện công ty này để đòi bồi thường thiệt hại nhưng tòa án đã trả đơn theo quy định pháp luật.

Sáng 8/10, tại hội nghị giao ban báo chí tháng 9/2016 tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Thắng – Chánh án TAND tỉnh này đã báo cáo việc xử lý 506 đơn của người dân kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh).

“Ba ngày trước, TAND thị xã Kỳ Anh đã trả lại cho người dân tất cả 506 đơn và việc làm này được cho là đúng quy định của pháp luật. Hiện, TAND thị xã Kỳ Anh đã sao tất cả các đơn và liệu liên quan để lưu trữ nhằm làm căn cứ giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”, ông Thắng nói.

Toa an tra don cua nguoi dan kien Formosa Ha Tinh hinh anh 1
Tại hội nghị giao ban sáng 8/10, lãnh đạo TAND tỉnh Hà Tĩnh cho biết TAND thị xã Kỳ Anh đã trả lại tất cả đơn của người dân kiện Formosa. Ảnh: Thảo Nhi.

Theo ông Thắng, sau khi tiếp nhận và phân loại, có 296 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong đánh bắt hải sản, 137 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong sản xuất muối, 68 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nghề sản xuất nước, 3 đơn bồi thường thiệt hại về nghề nuôi trồng thủy hải sản, 2 đơn liên quan đến nghề kinh doanh thủy sản ven biển.

Tổng số tiền các hộ dân yêu cầu bồi thường là 56 tỷ đồng.

“Trong đơn và các tài liệu không đưa ra được chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế. Việc trả lại đơn căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự. Cụ thể tại Khoản 5, Điều 189 kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh lợi ích quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm”, ông Thắng chia sẻ.

Người đứng đầu ngành tòa án tỉnh Hà Tĩnh cũng nói rằng theo Điểm c của Khoản 1, Điều 192 thì sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong việc này Chính phủ đã có quyết định 1880 của Thủ tướng.

Trước đó, ngày 27/9, TAND thị xã Kỳ Anh nhận được gần 600 đơn của người dân huyện Quỳnh Lưu và xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) khởi kiện Formosa Hà Tĩnh. Trong đó có hơn 30 đơn bị từ chối tiếp ngay từ đầu nhận vì chưa đủ thủ tục.

Formosa Hà Tĩnh thừa nhận đã trực tiếp gây ra sự cố môi trường biển. Ngoài gửi lời xin lỗi, công ty đã hoàn thành việc bồi thường 500 triệu USD. Sự cố này đã gây khó khăn trong nuôi trồng và đánh bắt hải sản làm cho cuộc sống của ngư dân 4 tỉnh miền Trung trở nên điêu đứng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết đầu tháng 10, các địa phương sẽ nhận được kinh phí đền bù thiệt hại.

Đàn voi rừng xuất hiện ở Nghệ An

Đàn voi 6 con bất ngờ xuất hiện tại bản Cao Vều 3, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) càn phá bãi mía hơn 10ha suốt hơn một ngày vẫn chưa chịu quay vào rừng.

Đêm 5/3, người dân trong bản đang ngủ thì nghe tiếng ào ào của đàn voi đổ bộ về bãi trồng mía. Nhận tin báo, kiểm lâm huyện Anh Sơn cùng cán bộ Phòng nông nghiệp và nhân viên vườn quốc gia Phù Mát đã có mặt để hướng dẫn người dân đánh chiêng xua đuổi voi, bảo vệ tính mạng và tài sản.

Đàn voi gồm 6 con (4 con to và 2 con voi nhỏ) vẫn quanh quẩn càn phá tại bãi mía hơn 10 ha của gần 20 hộ dân nơi đây.

Dan voi rung xuat hien o Nghe An hinh anh 1
Đàn voi xuất hiện tại bản Cao Vều 3.

Lần này đàn voi chỉ quanh quẩn càn phá bãi mía mà không vào nhà dân quấy phá. Suốt ngày hôm qua, đàn voi chỉ ở trong vườn mía. Hàng trăm người dân vây quanh đánh trống, khua chiêng để tránh voi tấn công dân bản.

“Trước đó vào đêm mùng 2 Tết nguyên đán, đàn voi cũng xuất hiện và phá hỏng một nhà dân nơi đây”, ông Nguyễn Công Thế, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết.

Theo cán bộ vườn Quốc gia Pù Mát thì đây là đàn voi sinh sống và di chuyển trên địa bàn từ khu vực tổng đội TNXP 5, huyện Thanh Chương sang công ty cao su Anh Sơn và vườn quốc gia Pù Mát.